Những chiếc smartphone đời mới hiện giờ đã có nhiều cải tiến đáng kể về khả năng chụp ảnh, từ cảm biến, thấu kính cho đến phần mềm trên máy. Một số smartphone có thể cho ra ảnh chất lượng tốt không hề thua kém gì máy ảnh ngắm chụp, và đương nhiên là đem theo điện thoại thì gọn và linh hoạt hơn một chiếc máy ảnh rồi. Bên dưới là một vài mẹo sử dụng mà mình tích cóp được sau một thời gian dài sử dụng camera trên smartphone và muốn chia sẻ với mọi người. Nếu bạn có kinh nghiệm gì thì hãy chia sẻ cùng mọi người ở ngay tại topic này luôn nhé.
Giữ cho ống kính được sạch
Ống kính dơ thế này thì hình ảnh không thể nào đẹp được
Hạn chế rung
Khi chụp ảnh, mình rất sợ bị rung, và chuyện này càng dễ xảy ra với smartphone hơn vì nó nhẹ, một số máy không đầm tay thì nhấn nút chụp hình là sẽ rung ngay. Vậy cách đối phó khả dụng là gì?
Trước hết, bạn cần lưu ý rằng nên cầm smartphone bằng hai tay khi chụp ảnh. Chuyện này thì chắc nhiều bạn cũng biết rồi. Thứ hai, ngay sau khi nhấn nút chụp ảnh, bạn nên giữ đó đến khi máy báo "tách" và ảnh đã chụp xong, kể cả đó là nút cứng hay nút ảo trên màn hình. Mình đã từng bị rất nhiều lần nhanh nhảu đoản, vừa chụp xong là vội lia máy ảnh sang chỗ khác, và tấm ảnh vừa chụp bị mờ. Với các máy có tốc độ xử lí nhanh thì vấn đề này không thường xảy ra, nhưng đề phòng vẫn hơn. Trên những máy đời mới, việc giữ nút chụp ảnh sẽ kích hoạt tính năng chụp ảnh liên tục. Nhưng như vậy cũng không sao, ví dụ như máy chụp bốn tấm thì ta vẫn có ít nhất là một tấm ảnh không bị rung.
Bạn cũng nên để ý đến việc lấy nét vì hiện tường ảnh mờ do lấy nét sau khi bấm nút chụp rất hay xảy ra. Các bạn đọc tiếp phần "Chờ đến khi máy lấy nét xong hãy chụp" ở bên dưới.
Luôn cầm máy bằng hai tay
Bạn có bao giờ nghĩ đến việc dùng "chân máy" khi chụp ảnh bằng smartphone chưa? Nếu bạn có thể sắm cho mình và mang theo một chiếc tripod nhỏ gọn cho smartphone thì tốt rồi, nhưng vấn đề là không phải ai cũng kiếm ra chân máy tương thích với smartphone của mình, đem theo thì có khi nặng nề quá. Thay vào đó, ta sẽ tận dụng "địa hình địa thế" để giả làm chân máy. Ví dụ, bạn có thể đặt máy ảnh lên bệ cửa sổ, đặt lên bục đá, lên vai người bạn cùng đi chụp, đặt ngang lên một cái li, hoặc tận dụng chính thân của bạn để giữ vững máy ảnh (tựa người vào cột đèn rồi chụp, chẳng hạn như vậy). Thủ thuật này phổ biến trên máy ảnh compact nhưng vẫn áp dụng tốt với smartphone.
Để ý đến ánh sáng
Thường thì các máy ảnh trên smartphone cho ra ảnh đẹp hơn khi dùng ánh sáng tự nhiên (nhất là ngoài trời), do đó bạn nên tận dụng tối đa nguồn ánh sáng này để có được bức ảnh tốt nhất. Nếu bạn mới di chuyển từ chỗ tối sang sáng, như khi bước từ nhà ra ngoài đường, hãy chờ vài giây để máy tự điều chỉnh lại thông số phơi sáng cũng như cân bằng trắng. Cũng nên lưu ý những chỗ có ánh sáng vừa phải. Quá nhiều ánh sáng sẽ làm máy nhận diện thông số sai và chúng ta bị mất chi tiết ảnh.
Cũng nên nghĩ đến việc thay đổi góc chụp ảnh, vì chỉ cần thay đổi một chút là ánh sáng sẽ thay đổi, hình ảnh cho ra sẽ khác ngay. Đừng ngại di chuyển nhé các bạn. Đứng lên, ngồi xuống, nghiên bên trái, ẹo một tí qua bên phải, chỉ vậy thôi mà sẽ có bức ảnh tốt hơn hẳn, nhất là ở những nơi ánh sáng phức tạp như trung tâm triển lãm, nhà hàng, vũ trường, v.v
Có một trường hợp nhiều bạn cũng sẽ gặp phải, đó là khi chụp cảnh ngoài trời, người đứng gần thì tối đi, trong khi cảnh mây trời thì lại sáng quá. Vậy phải làm sao? Giải pháp hữu hiệu nhất và đơn giản nhất đó là sử dụng ảnh HDR. Trên iPhone, các máy Android mới, Sony và nhiều smartphone khác có chức năng chụp ảnh HDR này. Bạn hãy thử tìm kiếm trong phần Settings của ứng dụng xem có chế độ HDR hay không. Với loại ảnh này, bạn sẽ thấy rõ được đối tượng trong cả vùng quá sáng, quá tối và tất nhiên là cả vùng có ánh sáng vừa phải nữa. HDR còn áp dụng tốt với các trường hợp khung cảnh có độ chênh sáng, tối quá lớn.
Đây là ảnh chụp bằng chế độ HDR của HTC One X. Nếu không dùng HDR, mặt trời ngoài sau sẽ rất sáng, trong khi các con thuyền bị tối đen
Tinh chỉnh các thông số chụp ảnh
- Exposure Value (EV) (Độ phơi sáng): EV càng lớn, ánh sáng trong hình sẽ càng nhiều và hình cáng chói, ngược lại, khi giảm EV thì ánh sáng sẽ ít đi và bức hình của bạn cũng tối hơn. Tùy vào từng môi trường mà bạn tăng giảm EV cho đúng với ý đồ của bạn. Ví dụ, khi chụp phong cảnh hay kiến trúc có ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, bạn có thể tăng EV lên một chút để tạo nên một khung cảnh chói chang ở mức vừa phải, làm cho đối tượng công trình vừa mạnh mẽ, vừa cứng cáp hoặc thể hiện được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Còn khi chụp những cảnh như trong nhà, một góc phòng trong quán trà, một tách cafe bên cửa sổ, một cánh quạt cũ kỹ, chụp từ trong cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài... bạn hãy thử giảm EV xuống để tăng mảng tối của bức hình lên. Lúc này bạn sẽ thấy hình ảnh rất dịu mắt và tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng, bức hình ẩn chứa một thứ gì đó huyền bí và trắc ẩn. Tất cả tùy thuộc vào cách bạn nghĩ cũng như sở thích chụp hình của mình.
- White balance (Cân bằng trắng): Thông số này dùng để điều chỉnh màu ánh sáng cho đúng với ánh sáng thật ngoài môi trường. Bạn không cần quan tâm cụ thể nó là gì, arc có nhiều chế độ cân bằng trắng, bạn cứ thử chuyển qua lại từng chế độ một để có được màu ánh sáng ưng ý nhất. (Trích bài Chụp ảnh đẹp với Sony Xperia Arc của anh @TDNC)
- Brightness (Độ sáng): tăng lên thì ảnh sáng hơn, giảm xuống thì ảnh tối đi. Rất đơn giản. Nhưng hãy coi chừng khi tăng quá sáng thì ảnh bị mất chi tiết, còn mặt người dễ bị bệt lắm nhé.
- ISO: đây là độ nhạy sáng của cảm biến. ISO càng cao thì ảnh càng sáng, giảm được hiện tượng rung tay vì tốc độ chụp sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, ISO cao có tác hại là làm ảnh noise. Trên smartphone, cảm biến của máy nhỏ nên noise càng nặng hơn nữa. Tùy vào tình hướng mà bạn có thể chỉnh ISO cho thích hợp, còn nếu bạn không rành về nhiếp ảnh thì cứ để Auto cũng ổn.
- Saturation (Độ bão hòa màu): thông số này càng cao thì ảnh càng đậm màu hơn, còn càng thấp thì ảnh nhạt màu hơn.
Các thông số chụp ảnh trên máy ảnh của HTC Android 4.x
Hạn chế dùng zoom kĩ thuật số
Đây là bức ảnh zoom số, chụp bằng HTC Titan, nhìn bể và không đẹp
Chờ đến khi máy AF xong thì hãy chụp
Máy ảnh hiện nay hầu hết đều có khả năng tự động lấy nét (Auto Focus - AF). Quá trình chụp một bức ảnh trên smartphone sẽ như thế này. Đầu tiên, khi nhấn phân nửa nút chụp ảnh, thiết bị sẽ xác định điểm lấy nét, điều chỉnh lại thấu kính cho ảnh rõ nhất có thể (một khung màu xanh hoặc trắng sẽ sáng lên trên màn hình kèm tiếng beep), sau đó, bạn nhấn mạnh xuống thì máy mới bắt đầu chụp. Trên vài máy, nếu bạn nhấn mạnh thì máy chụp ngay, không thèm lấy nét. Như vậy ảnh sẽ bị mờ.
Ở các máy không có nút cứng thì thường ta nhấn vào nút ảo chụp ảnh là máy sẽ tự lấy nét rồi mới chụp nên bạn không phải lo lắng về chuyện này. Chỉ cần bạn để ý đừng lia tay đi khi máy chưa chụp xong là được. Ngoài ra, khi máy báo không lấy nét được (khung trên màn hình chuyển sang màu đỏ), bạn nên thử di chuyển sang một góc chụp khác hoặc tăng khoảng cách đến vật thể cần chụp.
Một vài smartphone mới có khả năng chạm để lấy nét. Hãy tận dụng nó để bạn có được bức hình nét nhất có thể (bằng cách chạm vào điểm mà bạn muốn nó nét) rồi bỏ tay ra. Như vậy ta cũng không lo lắng về vấn đề "lỡ bấm chụp rồi máy mới AF".
Xanh như thế này là đã AF xong, có thể chụp được rồi
Dùng thử các phần mềm bên thứ ba
Nếu bạn cảm thấy chán trình chụp ảnh mặc định trên máy, hãy thử dùng các ứng dụng khác. Với iPhone, bạn có thể truy cập vào App Store và tìm các phần mềm trong mục Photography, còn với những bạn sử dụng máy Android, vào Android Market và tìm mục tương tự. Tất nhiên, các máy BlackBerry cũng có thể dùng App World, còn Windows Phone 7 có Marketplace. Hãy thử qua càng nhiều ứng dụng càng tốt. Thường thì các lập trình viên sẽ cung cấp hai phiên bản của cùng một ứng dụng: bản Lite (miễn phí) và Pro (hoặc bản trả phí). Bạn nên thử bản Lite trước, nếu ưng ý thì hãy mua bản Pro hoặc bản full sau. Ứng dụng bên thứ ba sẽ giúp mang những tính năng mới cho camera trên smartphone của bạn, có những tính năng ngộ nghĩnh như kích hoạt bằng giọng nói, bằng huýt sáo, và thường là lập trình viên sẽ cho bạn rất nhiều hiệu ứng có sẵn nữa.
Ứng dụng bên thứ ba sẽ cho bạn nhiều lựa chọn hơn, vui vẻ hơn, chuyên nghiệp hơn
Ảnh Panorama
Ảnh toàn cảnh muốn làm được bằng máy chụp hình bình thường thì hơi khó, trừ các máy có sẵn chế độ panorama ra thì ta phải ghép tay. Nhưng chúng ta đang cầm trong tay smartphone, và không điều gì là khó cả. Bạn có thể nhờ ứng dụng chụp ảnh ghi ảnh theo dạng toàn cảnh rộng, đảm bảo kết quả sẽ cho bạn nhiều bất ngờ. Trên Play Store của Android, App Store của iPhone hay Windows Phone Markteplace có rất nhiều ứng dụng có thể giúp bạn tạo ảnh panorama. Hãy thử tìm với từ khóa "panorama" là sẽ ra ngay. Nguyên tắc chụp loại ảnh này là sẽ lia máy từ trái sang phải (hoặc trên xuống dưới), do đó bạn có gắng giữ tay thẳng nhất có thể để ảnh được liền mạch, không bị méo mó nhé.
Một bức ảnh panorama
Trên máy tính, người ta chụp xong hay về "Photoshop" lại, vậy tại sao với smartphone thì lại không? Thậm chí còn tiện hơn đấy chứ vì ta có thể làm mọi việc ngay trên chiếc điện thoại nhỏ gọn của mình. HTC, Sony và Apple (tất nhiên có vài hãng khác nữa) có tích hợp trình chỉnh sửa ảnh đơn giản trên điện thoại của mình. Hãy thử dùng nó để chỉnh những thứ đơn giản cho bức hình của bạn. Còn nếu không có? Đừng lo, ta vẫn còn cả một thế giới ứng dụng rộng lớn cơ mà. Hãy lên kho ứng dụng tương ứng với hệ điều hành bạn đang dùng rồi tìm kiếm với từ khóa "Photo Editor" là sẽ có ngay. Bật mí: Photoshop có phiên bản nhỏ gọn và dễ dùng mang tên Photoshop Express cho Android và iOS. Instagram cũng là một phần mềm hay mà bạn nên tham khảo.
Instagram là một trong các ứng dụng để chụp và cả chỉnh sửa hậu kì được nhiều người ưa thích hiện nay
Chúc các bạn luôn vui vẻ và có được những bức ảnh đẹp với smartphone của mình.
Nguồn: Tinh Tế
Biên soạn: Tin Nhanh
Đăng nhận xét
Bình Luật Sẽ Bị Xoá Nếu
- Spam hoặc kèm link quảng cáo.
- Nội dung vô văn hóa, vi phạm luật pháp, mạ lị, hạ uy tín, xúc phạm danh dự cá nhân…
- Tiếng Việt không dấu hoặc cố tình bóp méo sự trong sáng của Tiếng Việt.