Thiều nữ lo ế chồng từ tuổi 16

Đăng một nhận xét


Ở Việt Nam mình vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu như vậy đấy các teen ạ.
Cách trung tâm huyện Sa Thầy gần 20 km, Rờ Cơi là xã vùng biên tỉnh Kon Tum có hơn 90% dân số là người dân tộc H’Lăng sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy, rất ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Người H’Lăng xem chuyện hôn nhân là ý riêng của mỗi người. Khi đã đến tuổi, thích thì đến với nhau, luật pháp chẳng can hệ gì. Các nam thanh, nữ tú đến tuổi dậy thì cũng là lúc nghĩ đến cuộc sống vợ chồng.

Mặc cho các phương tiện truyền thông, cán bộ, cộng tác viên dân số cố gắng thâm nhập tuyên truyền, song đến nay hủ tục lạc hậu này vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở xã Rờ Cơi. Do đó, nơi đây chuyện những cô bạn đang học lớp 7, lớp 8 bỗng nghỉ giữa chừng để bắt chồng chẳng có gì là lạ.
Cách đây 4 năm, Y Sâm (sinh năm 1995, làng Đăk Đê) đang học lớp 7 song đã sợ ế nên đã nghỉ học để cưới chồng. Đến nay, cô bạn đã là mẹ của một bé gái gần 3 tuổi kháu khỉnh. 15 tuổi có gia đình, nhưng Sâm cho biết mình là người lấy chồng muộn nhất trong đám bạn.
Y Sâm thật thà bộc bạch: "Đám bạn cùng lứa với mình đã bắt chồng hết rồi. Nhiều đứa bằng tuổi mình nhưng lấy chồng sớm hơn mình 1 hay 2 năm. Như mình đã là muộn rồi".
Về chuyện lập gia đình sớm của bản thân và các con, chú A Pum (44 tuổi, làng Gia Xiêng, có đến 8 đứa con, đứa nhỏ nhất năm nay gần 3 tuổi) nói: "Mình đâu có biết vì sao phải lấy vợ sớm. Ngày ấy, thích thích nhau thì về bảo cha mẹ cho lấy chứ có biết gì đâu. Con mình cũng vậy, nó bảo muốn lấy chồng là mình đồng ý thôi, đó là ý của nó chứ đâu phải do mình. Mình cũng chẳng biết cháu mình nó mấy tuổi nữa, chỉ nhớ nó lớn gần bằng đứa con út của mình".Từ chuyện lấy chồng sớm này, các cặp vợ chồng không chỉ sớm lên chức cha mẹ, mà hiển nhiên họ cũng nhanh chóng làm ông, bà người ta khi còn rất trẻ. Mẹ Y Sâm là Y Gieih (hiện 50 tuổi) đã trở thành bà khi mới ngoài 30 tuổi.
Ông Him - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Cơi cho biết, trước kia con gái trong vùng từ 13 đến 15 tuổi là đã bắt chồng. Sơn nữ nào “cao số” đến 16 tuổi mà vẫn chưa bắt được chồng thì đã được xếp vào hàng gái già, sẽ không được chàng trai nào ngó ngàng tới nữa. Chuyện nữ sinh cấp 2 đang học bỏ về lấy chồng ngoài chuyện học không vô nữa bên cạnh là sợ lớn tuổi hơn sẽ ế. Ở đây, người mới hơn 30 tuổi đã có cháu rất nhiều, thôn nào cũng có.
Còn theo ông Nguyễn Đình Thìn, cán bộ chuyên trách dân số xã Rờ Cơi, tình trạng tảo hôn ở xã này vẫn còn rất nhiều, độ tuổi phụ nữ lấy chồng chủ yếu là 14-16 tuổi. Ở đây, chuyện con trai ngoài 20 tuổi mà chưa lập gia đình rất hiếm còn con gái đến tuổi 18 tuổi mà vẫn “phòng không” là ế chắc rồi.
Việc kết hôn sớm, nhà lại nghèo, không có trình độ nên cuộc sống của những cặp vợ chồng trẻ hay cả vợ chồng già đều luẩn quẩn bên núi đồi, cái nương, cái rẫy, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Song có một điều lạ là rất hiếm có cặp vợ chồng nào bỏ nhau. Theo thống kê của ông trưởng thôn, từ trước đến nay, thôn Đăk Đê mới có duy nhất một cặp vợ chồng bỏ nhau.
Dù truyền thống tảo hôn đã có từ lâu đời, song nhiều năm nay, được sự vận động, tuyên truyền của các cán bộ, ban ngành các cấp, tình trạng này đã có phần thuyên giảm theo hướng số tuổi kết hôn ở các cặp trai gái đã tăng lên được một vài tuổi. Các cặp vợ chồng trẻ những năm gần đây cũng sinh con ít hơn cha mẹ mình, trước đây, mỗi cặp vợ chồng có đến 6, 7 đứa con.

Đăng nhận xét

Bình Luật Sẽ Bị Xoá Nếu
- Spam hoặc kèm link quảng cáo.
- Nội dung vô văn hóa, vi phạm luật pháp, mạ lị, hạ uy tín, xúc phạm danh dự cá nhân…
- Tiếng Việt không dấu hoặc cố tình bóp méo sự trong sáng của Tiếng Việt.